Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho khoảng 50% thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất, giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán.
Tầm quan trọng của rừng còn thể hiện ở chỗ, rừng là hệ sinh thái có giá trị đa dạng lớn nhất và là nơi sinh sống của hơn một nửa các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn.
Rừng cũng cung cấp nơi ở, việc làm, tạo an ninh sinh kế và các nền văn hóa liên quan đến những cộng đồng định cư trong khu vực rừng. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, là yếu tố quyết định sự sống còn của hơn 7 tỷ dân trên hành tinh.
Những giá trị của rừng đối với cuộc sống là rất to lớn. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lợi ích vô giá của rừng về kinh t, xã hội, sinh thái và sức khỏe, con người vẫn đang tàn phá rất nhiều các khu rừng cần cho cuộc sống và hơi thở của chúng ta.
Tác dụng của rừng đối với đời sống con người là rất đa dạng, trước hết rừng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.
Chính vì vậy cần phải xác định rằng việc bảo tồn và phát triển rừng là một cơ hội kinh doanh. Hơn nữa, việc đầu tư vào lâm nghiệp có thể tạo ra hơn 10 triệu việc làm trên toàn thế giới. Hiện nay, các nhà lãnh đạo đang chỉ ra các tiềm năng của năng lượng tái tạo, nhưng để quá trình chuyển đổi diễn ra thì vấn đề về rừng là một ưu tiên trong thể chế và chính sách.
Giá trị của rừng mang lại đã rõ. Một trong những tác dụng của hệ sinh thái rừng tập trung vào đối mặt với tương lai là việc cô lập và lưu trữ khí nhà kính CO2 . Tuy nhiên nạn phá rừng đã gián tiếp đã khiến cho tình trạng biến đổi khí hậu đang trở nên trầm trọng đe dọa đến cuộc sống trên khắp hành tinh.
Do đó khí hậu đang thay đổi và gây ra những tác động tiêu cực cho con người, tác động đến môi trường toàn cầu nhưng rõ rệt nhất là việc sụt giảm nguồn nước ngầm, bão tố, lũ lụt, nắng hạn…thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, hủy hoại sản xuất nông nghiệp và làm suy thoái đa dạng sinh học và tài nguyên nước.
Tuy nhiên, ước tính có khoảng 60% dịch vụ cho sự sống trên trái đất của các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng như nguồn nước ngọt, nguồn cá, điều chỉnh không khí và nước, điều chỉnh khí hậu vùng, điều chỉnh các thiên tai và dịch bệnh tự nhiên đã bị giảm sút gây thiệt hại lớn cho nhiều người, nhất là cho người nghèo
Các hệ sinh thái rừng bao phủ khoảng 10% diện tích trái đất, khoảng 30% diện tích đất liền. Tuy nhiên, các vùng có rừng che phủ đã bị giảm đi khoảng 40% trong vòng 300 năm qua, kéo theo các loài động, thực vật – thành phần quan trọng của các hệ sinh thái rừng cũng bị mất mát đáng kể.
Loài người đã làm thay đổi các hệ sinh thái một cách hết sức nhanh chóng trong 50 năm qua, nhanh hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Diện tích các vùng đất hoang dã đã được chuyển thành đất nông nghiệp, chỉ tính riêng từ năm 1945 đến nay đã lớn hơn cả thế kỷ 18 và 19 cộng lại. Diện tích đất hoang hóa, cằn cỗi ngày càng mở rộng.
Trong khoảng 50 năm qua, trên toàn thế giới đã mất đi 1/5 lớp đất màu ở các vùng nông nghiệp trong lúc nhiều vùng đất nông nghiệp màu mỡ đang chuyển thành các khu công nghiệp. Nguyên nhân làm suy thoái hệ sinh thái rừng trong 50 năm qua phần chính là do chuyển đổi rừng thành đất nông nghiệp.
Trong những năm gần đây sự mất mát rừng tăng lên khá nhanh do việc chuyển đổi kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế tiền tệ để sản xuất lương thực và nhiều thịt hơn nữa nhằm cung cấp cho dân số tăng nhanh và thêm vào đó là quan niệm thay đổi của người dân về thiên nhiên ( trước đây họ xem thiên nhiên, núi rừng, sông biển…là thần linh với thái độ kính trọng và sợ hãi, không dám xâm hại)
Nguyên nhân chính của việc mất rừng trên thế giới là do hoạt động của con người lấy đất để chăn nuôi và trồng trọt, phát nương làm rẫy, khai thác gỗ, xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông, xây dựng khu dân cư mới
Hằng năm có khoảng 20.000 đến 30.000 km2 rừng nhiệt đới bị phá hủy để sản xuất lương thực, trồng cây nông nghiệp và làm đồng cỏ để chăn nuôi. Ngoài ra khai thác khoáng sản cũng gây nên sự tàn phá rừng nghiêm trọng ở nhiều vùng, nhất là tại các nước đang phát triển. Cũng vì thế mà sự suy thoái và mất rừng cũng đồng nghĩa với việc tăng xói mòn, sạt lở đất, nhất là trong vùng mưa lũ do độ che phủ của đất bị suy giảm.
Mất đa dạng sinh học ngày nay đang diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có. Có khoảng 10% các loài đó bị suy thoái mạnh. Các vùng rừng ẩm nhiệt đới có số loài nguy cấp nhiều nhất, trong đó có nước ta, rồi đến các vùng khô nhiệt đới, vùng đồng cỏ miền núi.
Vì thế thế giới cần có các biện pháp bảo vệ các loài trong đó có khoảng 16.000 loài đang được xem là có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng các tác động tiêu cực của những suy thoái nói trên sẽ tăng thêm nhanh chóng trong 50 năm tới nếu không có những biện pháp tích cực hơn.