QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN

LH: 0916.818.437

Cùng với sự gia tăng dân số mạnh mẽ và sự hình thành, phát triển vượt bậc của các ngành nghề sản xuất trong thời gian qua, một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, mặt khác đã làm tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng và cũng làm gia tăng nhanh chóng chất thải rắn phát sinh. Chất thải rắn tăng nhanh chóng về số lượng, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, xử lý chất thải của nước ta trong thời gian qua chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến biện pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, không tiết kiệm đất, tại nhiều khu vực chất thải chôn lấp tại các bãi chôn lấp tạm, lộ thiên, hiện đã và đang là nguồn gây ô nhiễm. Ngoài ra, công tác triển khai các quy hoạch quản lý chất thải rắn tại địa phương còn chậm, các huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu nhà máy, nhà máy xử lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn, đầu tư cho quản lý, xử lý chất thải rắn còn chưa tương xứng, nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành, nhưng cơ sở vật chất, năng lượng và hiệu suất xử lý chất thải rắn chưa đạt hiệu quả.

Xử lý chất thải có những hạn chế nhất định đồng thời việc xử lý chất thải rắn không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đã gây những tác động tổng hợp tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội.

Số lượng chất thải nguy hại này được thống kê dựa trên số lượng chất thải nguy hại tối đa dự kiến phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (do các chủ cơ sở này đăng ký) và không bao gồm lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình nên có độ chính xác chưa cao.

Lượng chất thải nguy hại phát sinh tại các chủ nguồn thải nhỏ hoặc tại các vùng sâu, vùng xa chỉ phần nhỏ được thu gom, xử lý; số còn lại được các làng nghề thu gom, tái chế chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường hoặc thậm chí bị đổ lẫn vào chất thải sinh hoạt và chôn lấp chung tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2011, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm, chiếm khoảng 60-70% tổng lượng chất thải rắn đô thị và tại một số đô thị tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chiếm đến 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa.

Tại các đô thị, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Công ty môi trường đô thị hoặc Công ty công trình đô thị thực hiện. Bên cạnh đó, trong thời gian qua với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường của Nhà nước, đã có các đơn vị tư nhân tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị.

Tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Nhìn chung, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt .Các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung được đầu tư xây dựng -theo hoạch xử lý chất thải rắn của các địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các cơ sở chưa được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, chưa lựa chọn được mô hình xử lý chất thải rắn hoàn thiện đạt được các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo thống kê tính đến năm 2013 có khoảng 458 bãi chôn lấp chất thải rắn có quy mô trên 1ha, ngoài ra còn có các bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã chưa được thống kê đầy đủ. Trong số 458 bãi chôn lấp có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh và 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, tại nhiều cơ sở xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp, quá trình kiểm soát ô nhiễm chưa thực sự đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, hiện vẫn đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp nào tận thu được nguồn năng lượng từ khí thải thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải, gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Một số công nghệ mới được nghiên cứu và áp dụng trong nước đáp ứng được được tiêu chí hạn chế chôn lấp nhưng việc hoàn thiện công nghệ và triển khai nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, tính đồng bộ, hiện đại, mức độ tự động hóa của thiết bị trong dây chuyền công nghệ chưa cao, các công nghệ xử lý chất thải rắn chưa được sản xuất ở quy mô công nghiệp. Ngoài ra, sản phẩm phân hữu cơ sản xuất ra hiện nay khó tiêu thụ, chỉ phù hợp với một số cây công nghiệp.

Tại Việt Nam hiện nay có xu hướng đầu tư đại trà lò đốt chất thải rắn sinh hoạt ở các tuyến huyện, xã. Do vậy, đang tồn tại tình trạng mỗi huyện, xã tự đầu tư lò đốt công suất nhỏ để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn.

Việc đầu tư lò đốt công suất nhỏ là giải pháp tình thế, góp phần giải quyết nhanh chóng vấn đề chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tuy nhiên, một số lò đốt công suất nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải và trên ống khói không có điểm lấy mẫu khí thải; không có thiết kế, hồ sơ giấy tờ liên quan tới lò đốt. Nhiều lò đốt công suất nhỏ được đầu tư xây dựng trên địa bàn dẫn tới việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. Ngay cả với một số lò đốt công suất lớn thì hiện còn tồn tại các vấn đề: phân loại, nạp liệu chưa tối ưu; chưa thu hồi được năng lượng từ quá trình xử lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm chưa đảm bảo; chưa có hệ thống thu hồi nước rác; không có hệ thống xử lý nước rỉ rác; xử lý mùi, côn trùng chưa triệt để.

Qua khảo sát thực tế cho thấy nhiều lò đốt hiệu quả xử lý chưa cao, khí thải phát sinh chưa được kiểm soát chặt chẽ, có nguy cơ phát sinh khí Dioxin, Furan, là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.

Theo kết quả điều tra và ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (viết tắt là khu công nghiệp) vào khoảng 7 triệu tấn/năm.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh. Thực tế, các chất thải rắn công nghiệp được thu gom và đổ lẫn với chất thải sinh hoạt thậm chí còn lẫn cả với chất thải nguy hại, gây khó khăn cho quá trình thu gom, xử lý. Trước khi được chuyển giao cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chất thải rắn công nghiệp thường được chất thành đống trong kho chứa, hoặc tại các khu vực trống trong các khuôn viên cơ sở. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở sản xuất hệ thống kho chứa chất thải rắn công nghiệp còn chưa đạt yêu cầu, không có mái che, để lộ thiên trong khuôn viên cơ sở

Hiện nay, trong cả nước đang rất thiếu các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là khu xử lý chất thải trung quy mô lớn. Việc xử lý chất thải rắn công nghiệp mới chỉ thực hiện ở các đơn vị có quy mô nhỏ. Ngoài ra, có một số cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài cụm công nghiệp, khu công nghiệp hợp đồng với các tổ chức, cá nhân không có chức năng thu gom, vận chuyển, dẫn đến việc đổ chất thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Tồn tại khó khăn trong công tác quản lý chất thải nguy hại 

Hiện nay, một vấn đề dễ nhận thấy là sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền cũng như các địa phương trong công tác quản lý chất thải nguy hại. chất thải nguy hại phát sinh tập trung chủ yếu tại các Vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước. Cùng với sự phát triển mạnh việc công nghiệp hóa tại các tỉnh thành nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm thì lượng phát sinh chất thải nguy hại tại địa phương đó càng tăng cao và diễn biến phức tạp, đòi hỏi cơ sở vật chất để quản lý chất thải nguy hại cũng như cơ quan quản lý nhà nước về chất thải nguy hại tại địa phương phải được xây dựng và vận hành khoa học, đáp ứng với nhu cầu phát triển.  Một trong những giải pháp đưa ra là xây dựng những trung tâm xử lý chất thải nguy hại theo cụm hoặc theo Vùng để giải quyết cho những địa phương phát sinh ít chất thải nguy hại.

Các cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cấp phép nhìn chung còn ở quy mô vừa và nhỏ, chưa có cơ sở lớn ở quy mô vùng được đầu tư tập trung đầy đủ về mặt công nghệ và công suất xử lý để xử lý các loại chất thải nguy hại khác nhau.

Công nghệ xử lý chất thải nguy hại của nước ta hiện nay chưa hiện đại, dựa chủ yếu vào công nghệ đốt, không tiết kiệm được năng lượng cũng như có khả năng gây ô nhiễm thứ cấp nếu như các công trình bảo vệ môi trường liên quan hoạt động thiếu hiệu quả

Nguồn nhân lực có chuyên môn về quản lý chất thải nguy hại hiện còn mỏng và chỉ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn dẫn đến nhiều bất cập trong vấn đề thực thi các văn bản pháp lý tại các địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa

Đầu tư tài chính cho quản lý chất thải nguy hại chưa tương xứng. Việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại nói chung và chất thải nguy hại công nghiệp nguy hại nói riêng cần được đầu tư thỏa đáng về công nghệ và vốn. Trong khi đó, mức phí thu gom, xử lý chất thải nguy hại còn chưa thoả đáng, vì vậy việc đầu tư cơ sở, công nghệ cũng như hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại còn manh mún, tự phát và chưa hiệu quả.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường

Việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm

Đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế

Mặc dù đã có quy định trong việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trong đó có việc xử lý chất thải rắn, tuy nhiên quá trình để triển khai vay vốn thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn còn nhiều thủ tục và khó khăn, số dự án xử lý chất thải rắn được vay từ các nguồn vốn ưu đãi là rất ít.

Hiện nay, tại một số địa phương đặc biệt tại các đô thị lớn, đã có dự án đầu tư về xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân vào việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Tuy nhiên, việc các dự án này được chấp nhận đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân là do các Công ty Môi trường đô thị vẫn được nhà nước trợ giá trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Việc đầu tư, vận hành lò đốt chất thải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như có hệ thống xử lý khí thải, nhiệt độ buồng đốt phù hợp đảm bảo xử lý triệt để chất thải là những thách thức lớn trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn ở Việt Nam.

Việc xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh, các cơ sở xử lý tập trung chất thải công nghiệp đòi hỏi phải có vốn đầu tư rất lớn, nhiều địa phương không đủ nguồn vốn đầu tư cho việc xử lý chất thải rắn tập trung.

Công tác cập nhật thường xuyên các số liệu về tình hình phát sinh, tính chất, thành phần, loại chất thải rắn phải xử lý gặp rất nhiều khó khăn do vậy dẫn đến khó khăn trong việc quản lý chất thải rắn

Phương pháp xử lý chất thải rắn là chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh và gia tăng khí mêtan (một loại khí nhà kính), đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được các loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng

Hiện nay, chưa có địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường.

Việc quản lý chất thải rắn chưa phù hợp với xu thế tái sử dụng, tái chế trên thế giới. Hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa phát triển thành quy mô, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn tại Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp, độ ẩm của không khí cao,

Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng.

Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ.