BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

LH: 0916.818.437

Tình trạng ô nhiễm môi trường có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Để ngăn chặn, khắc phục và xử lý có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, xong tập trung chủ yếu ở các nguyên nhân sau đây

Thứ nhất, những hạn chế, bất cập của cơ chế chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Bộ tư pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cơ quan , tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, các quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn chưa còn hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân, các hoạt động kinh tế….trong bảo vệ môi trường.

Thứ hai, quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là lực lượng cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hoạt động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với những loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những loại hành vi xâm hại môi trường. Rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự, còn các biện pháp xử lý khác như buộc phải di dời khỏi vị trí ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, doanh nghiệp trây lỳ nên cũng không có hiệu quả.

Thứ ba, các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức với công tác bảo vệ môi trường dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với cơ sở sản xuất dường như vẫn còn mang tính hình thức, hiện tượng ” phạt để tồn tại” còn phổ biến. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập và chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí còn được tiến hành một cách hình thức, qua loa đại khái cho đủ thủ tục, dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, trong nhiều trường hợp đoàn kiểm tra không thể phát hiện được những thủ tục tinh vi của các doanh nghiệp thải các chất thải gây ô nhiễm ra môi trường.

Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

Để ngăn chặn, khắc phục, xử lý có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt ( cưỡng chế hành chính và xử lý hình xử) phải thực hiện đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người.

Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường ( thường xuyên, định kỳ, đột xuất ) phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữ lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời , nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường, trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.

Ba là, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các đô thị, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp, tránh trường hợp quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo, như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng. Đối với các khu công nghiệp cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hrrj thông thu gom, xử lý nước thải, phân tích môi trường tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó.

Bốn là, chú trọng và thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó tới môi trường lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các kế hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức, công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên – con người – xã hội.