Chương II Thông tư 72/2017/TT-BTNMT

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC XỬ LÝ, TRÁM LẤP GIẾNG KHÔNG SỬ DỤNG

Điều 5. Xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp không phải xin phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Giếng thuộc trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư này, sau khi chủ giếng xác định giếng không sử dụng, chủ giếng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm trám lấp giếng tới Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và tự tổ chức thi công trám lấp giếng của mình.

2. Giếng thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Thông tư này, trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân nhận bàn giao mặt bằng có trách nhiệm trám lấp giếng theo quy định của Thông tư này.

3. Giếng thuộc trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 4 Thông tư này, trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định xử lý vi phạm hành chính mà trong đó có áp dụng biện pháp phải trám lấp giếng, chủ giếng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm trám lấp giếng tới Ủy ban nhân dân cấp xã và tự tổ chức thi công trám lấp giếng của mình. Trường hợp trong quyết định xử lý vi phạm hành chính có quy định cụ thể về thời hạn hoàn thành việc trám lấp giếng thì thực hiện theo quyết định này.

4. Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thi công trám lấp giếng không sử dụng quy định tại Điều này, chủ giếng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã thực hiện trám lấp giếng không sử dụng để theo dõi, tổng hợp.

Điều 6. Xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

Việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này thực hiện như sau:

1. Sau khi có quyết định thu hồi, điều chỉnh giấy phép, xử lý vi phạm hành chính mà trong đó có áp dụng biện pháp phải trám lấp giếng hoặc có văn bản thông báo chấm dứt hiệu lực giấy phép đối với trường hợp trả lại giấy phép hoặc văn bản thông báo không đủ điều kiện để được cấp, gia hạn giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ giếng phải lập phương án trám lấp giếng theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ ngày có quyết định hoặc văn bản thông báo, chủ giếng phải hoàn thành việc trám lấp giếng. Trường hợp trong các quyết định hoặc văn bản thông báo có quy định cụ thể về thời hạn hoàn thành việc trám lấp thì thực hiện theo các quyết định, văn bản thông báo này.

2. Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định hoặc văn bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này, chủ giếng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm thực hiện việc thi công trám lấp giếng tới Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tài nguyên và Môi trường) để theo dõi, kiểm tra (nếu cần).

3. Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thi công trám lấp giếng không sử dụng, chủ giếng có trách nhiệm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả thi công trám lấp giếng.

Nội dung chính của báo cáo kết quả thi công trám lấp giếng, gồm: các thông tin chung về giếng phải trám lấp; nội dung, khối lượng đã thực hiện trong quá trình thi công trám lấp; đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong việc trám lấp giếng theo quy định; những vấn đề phát sinh trong quá trình trám lấp giếng (nếu có).

Điều 7. Xử lý, trám lấp giếng khoan thăm dò nước dưới đất

Việc xử lý, trám lấp giếng thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này thực hiện như sau:

1. Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, trước ngày thi công các giếng khoan thăm dò, chủ giấy phép thông báo bằng văn bản tới Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình thăm dò về danh sách dự kiến các giếng khoan thăm dò phải trám lấp và thời gian, địa điểm dự kiến thực hiện thi công trám lấp giếng để theo dõi, kiểm tra (nếu cần).

2. Sau khi hoàn thành việc trám lấp, chủ giấy phép có trách nhiệm báo cáo kết quả thi công trám lấp giếng, trong đó phải nêu rõ việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong việc trám lấp giếng theo quy định của Thông tư này, những vấn đề phát sinh trong quá trình trám lấp giếng (nếu có) và được thể hiện trong báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng nước dưới đất hoặc báo cáo kết quả thi công giếng khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Điều 8. Xử lý, trám lấp giếng khoan quan trắc nước dưới đất, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, giếng tháo khô mỏ và hố móng, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình

Việc xử lý, trám lấp giếng thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c  và Điểm d Khoản 3 Điều 4 Thông tư này thực hiện như sau:

1. Chủ giếng có trách nhiệm xây dựng phương án trám lấp giếng theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, trước ngày thi công trám lấp giếng, chủ giếng thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm thực hiện trám lấp giếng tới Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, kiểm tra (nếu cần).

2. Sau khi hoàn thành việc trám lấp giếng, chủ giếng có trách nhiệm báo cáo kết quả thi công trám lấp giếng theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này. Báo cáo kết quả thi công trám lấp giếng là thành phần của hồ sơ sản phẩm kết quả thực hiện dự án.

Điều 9. Xử lý, trám lấp giếng khoan bị sự cố

Việc xử lý, trám lấp giếng thuộc trường hợp quy định tại Điểm e và Điểm g Khoản 3 Điều 4 Thông tư này thực hiện như sau:

1. Đối với trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 4 Thông tư này, căn cứ mức độ và tính chất nguy hại của sự cố, chủ giếng hoặc tổ chức, cá nhân khoan giếng phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn đối với người, công trình xây dựng và các hoạt động khác; khắc phục sự cố và trám lấp giếng khoan; đồng thời thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có giếng khoan gây sự cố.

Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc khắc phục sự cố, chủ giếng báo cáo kết quả khắc phục sự cố tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó nêu rõ các biện pháp bảo đảm an toàn, kết quả trám lấp giếng và khu vực bị sụt lún, kết quả bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (nếu có).

2. Đối với trường hợp quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 4 Thông tư này,  căn cứ thực trạng của giếng, chủ giếng phối hợp với tổ chức, cá nhân khoan giếng đó thực hiện các biện pháp trám lấp giếng; đồng thời, thông báo ngay về sự cố trong quá trình khoan tới Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có giếng khoan. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc trám lấp giếng, chủ giếng có trách nhiệm báo cáo kết quả thi công trám lấp giếng theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

Điều 10. Yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp giếng khoan, lỗ khoan không sử dụng

1. Việc thi công trám lấp giếng khoan nước dưới đất quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Lấp đầy hỗn hợp vữa xi măng vào trong giếng khoan, trường hợp không thể lấp đầy giếng thì phải có biện pháp bịt kín miệng giếng; xung quanh miệng giếng phải đổ bê tông với kích thước không nhỏ hơn 0,3m tính từ miệng giếng khoan;

b) Khuyến khích thực hiện thi công trám lấp giếng theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Việc thi công trám lấp giếng khoan, lỗ khoan không sử dụng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Thông tư này phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Vật liệu trám lấp phải có tính thấm nước kém hoặc không thấm nước, gồm hỗn hợp vữa hoặc vật liệu dạng viên như sau:

Hỗn hợp vữa, gồm: vữa xi măng; vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit; vữa bentonit, sét tự nhiên; vữa được trộn bằng các vật liệu khác có tính chất đông kết, trương nở tương đương với sét tự nhiên;

Vật liệu dạng viên, gồm: sét tự nhiên dạng viên; vật liệu dạng viên khác có tính chất thấm nước, trương nở tương đương với sét tự nhiên. Vật liệu dạng viên phải bảo đảm có dạng hình cầu và kích thước không lớn hơn 0,25 lần đường kính nhỏ nhất của giếng khoan hoặc đường kính trong của đoạn ống nhỏ nhất.

b) Chuẩn bị trám lấp giếng:

Căn cứ điều kiện cụ thể từng giếng khoan, lựa chọn vật liệu trám lấp và biện pháp thi công, công nghệ, thiết bị trám lấp phù hợp;

Kiểm tra, đánh giá hiện trạng của giếng khoan; đo chiều sâu, đường kính, xác định đường kính nhỏ nhất và đánh giá mức độ thông thoáng của giếng khoan;

Kiểm tra, đánh giá khả năng rút, nhổ cột ống giếng. Trường hợp rút, nhổ được cột ống giếng thì chuẩn bị thiết bị, dụng cụ phù hợp để bảo đảm việc trám lấp được thực hiện đồng thời với quá trình rút, nhổ cột ống giếng;

Chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm quá trình trám lấp giếng được thực hiện liên tục, không gián đoạn.

c) Thi công trám lấp giếng:

Việc thi công trám lấp phải bảo đảm giếng khoan được lấp đầy bằng các vật liệu trám lấp ở trạng thái đông kết; thực hiện trám lấp theo từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng; ít nhất 10m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng hỗn hợp vữa; miệng giếng phải được đổ bê tông với kích thước không nhỏ hơn 0,3m kể từ miệng giếng khoan;

Trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa dạng lỏng phải bảo đảm vữa được dẫn qua ống tới độ sâu của từng đoạn trám lấp bằng dụng cụ, thiết bị phù hợp, không đổ vữa trực tiếp qua miệng giếng; chiều dài mỗi đoạn trám lấp tuỳ thuộc điều kiện của từng giếng khoan và khả năng thực tế của thiết bị trám lấp;

Trường hợp sử dụng vật liệu dạng viên phải bảo đảm không tạo thành “nút” ở trong giếng; vật liệu được đổ từ từ, khối lượng phù hợp với thể tích của từng đoạn; kết thúc mỗi đoạn trám lấp phải đầm, nén vật liệu bằng dụng cụ, thiết bị phù hợp; chiều dài mỗi đoạn trám lấp không quá 10m;

Trường hợp rút, nhổ được cột ống giếng, thì phải rút, nhổ cột ống đó trong quá trình trám lấp. Việc rút, nhổ cột ống phải thực hiện theo từng đoạn, phù hợp với chiều dài mỗi đoạn trám lấp, chân của cột ống giếng luôn nằm trong lớp vật liệu trám lấp và bảo đảm đất đá không sập lở vào giếng trước khi vật liệu lấp đầy đoạn giếng khoan.

Điều 11. Yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp giếng đào

1. Vật liệu sử dụng gồm vật liệu đất, sét tự nhiên có tính cách nước tốt hơn hoặc tương đương với các lớp đất đá xung quanh giếng đào.

2. Việc thi công trám lấp giếng phải thực hiện theo từng đoạn; vật liệu được đổ theo từng lớp và phải được đầm, nện; tối thiểu 1m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng sét tự nhiên hoặc vật liệu khác có tính chất tương đương.

Nguồn: https://vbpl.vn/

Xem thêm: Trám lấp giếng không sử dụng

CÔNG TY TNHH HÓA CHẤT XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VIỆT KHANG

Chuyên cung cấp các dịch vụ về môi trường. Liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí.

🏢 Địa chỉ:

Văn phòng:145 Đường K, Khu Trung Tâm Hành Chính, Khu phố Nhị Đồng 2, Phường Dĩ An, TX Dĩ An, Bình Dương

Chi nhánh: Số 70 Đường 13, KĐT Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thành Phố Thủ Đức, TP.HCM

☎️ Hotline: 0916 818 437 – 0274 3800 140

📧 Email: tuvan.moitruongviet@gmail.com

Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ bạn và cùng xây dựng một môi trường sạch hơn và bền vững cho tương lai!