Chất thải y tế

Hiện nay, với sư phát triển vượt bật của ngành y tế, giúp nâng cao sức khỏe cho người dân cũng như cộng đồng. Nhưng đi đôi với sự phát triển trên là lượng chất thải khổng lồ mà ngành này tạo ra. Một ngành được gọi là “công nghiệp chăm sóc sức khỏe” lại đang làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người từ chính lượng chất thải nó tạo ra.

1. Chất thải y tế là gì?

Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế. (khoản 1 Điều 3 Thông tư 20/2021/TT-BYT)

2. Phân loại chất thải y tế?

2.1. Chất thải lây nhiễm

a) Chất thải lây nhiễm sắc nhọn bao gồm kim tiêm, bơm liền kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, kim chọc dò, kim châm cứu, lưỡi dao mổ, đinh, cưa dùng trong phẫu thuật, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ, các vật sắc nhọn khác đã qua sử dụng thải bỏ có dính, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh;

b) Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm bông, băng, gạc, găng tay, các chất thải không sắc nhọn khác thấm, dính, chứa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh; vỏ lọ vắc xin thuộc loại vắc xin bất hoạt hoặc giảm độc lực thải bỏ; chất thải lây nhiễm dạng lỏng (bao gồm dịch dẫn lưu sau phẫu thuật, thủ thuật y khoa, dịch thải bỏ chứa máu của cơ thể người hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh);

c) Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ từ các phòng xét nghiệm tương đương an toàn sinh học cấp II trở lên; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly, khu vực điều trị cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B;

d) Chất thải giải phẫu bao gồm mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm;

2.2. Chất thải nguy hại không lây nhiễm

a) Hóa chất thải bỏ có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;

b) Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;

c) Vỏ chai, lọ đựng thuốc hoặc hoá chất, các dụng cụ dính thuốc hoặc hoá chất thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;

d) Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân, cadimi (Cd); pin, ắc quy thải bỏ; vật liệu tráng chì sử dụng trong ngăn tia xạ thải bỏ;

đ) Dung dịch rửa phim X- Quang, nước thải từ thiết bị xét nghiệm, phân tích và các dung dịch thải bỏ có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;

e) Chất thải y tế khác có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất.

2.3. Chất thải rắn thông thường

Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế; các chất thải khác không thuộc Danh mục chất thải y tế nguy hại hoặc có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại; sản phẩm thải lỏng không nguy hại; …

2.4. Khí thải

Khí thải phát sinh từ phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường không khí; khí thải từ phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên.

2.5. Chất thải lỏng không nguy hại

Dung dịch thuốc, hoá chất thải bỏ không thuộc nhóm gây độc tế bào, không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, không chứa yếu tố nguy hại vượt ngưỡng, không chứa vi sinh vật gây bệnh.

2.6. Nước thải y tế

Nước thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn trong cơ sở y tế. Trường hợp nước thải sinh hoạt thải chung vào hệ thống thu gom nước thải y tế thì được quản lý như nước thải y tế.

3. Những ảnh hưởng chất thải y tế

3.1. Ảnh hưởng đến môi trường

a) Môi trường nước

Chất thải y tế lây nhiễm dạng lỏng, chứa rất nhiều các hợp chất hóa học độc hại, kim loại nặng và vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh. Khi chúng được xả ra vào hệ thống nước, chẳng hạn qua cống rãnh hoặc hệ thống xử lý nước thải, chúng có thể gây ô nhiễm nguồn nước và phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.

b) Môi trường đất

Chất thải y tế, đặc biệt là những mẫu bệnh phẩm lây nhiễm và chất thải lây nhiễm dạng lỏng, chứa các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus. Nếu không được xử lý đúng cách sẽ làm phát tán các mầm bệnh nói trên vào lòng đất. Việc chôn lắp chất thải y tế không tuân thủ quy định cũng làm cho việc tái sử dụng bãi chôn lắp gặp khó khăn sau này.

c) Môi trường không khí

Trong công đoạn thu gom, phân loại, vận chuyển cũng như tiêu hủy sẽ có thể phát tán vào không khí bụi rác, bào tử vi sinh vật gây bệnh, hơi dung môi, hóa chất,… Đặc biệt trong công đoạn tiêu hủy, khi chất thải y tế được đốt cháy hoặc xử lý bằng cách nhiệt, nó có thể tạo ra các khí thải độc hại như dioxin, furan, và các hợp chất hóa học độc hại khác. Những khí thải này có thể lan truyền trong không khí và gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là trong các khu vực gần các cơ sở xử lý chất thải y tế.

3.2. Ảnh hưởng đến con người

a) Chất thải sắc nhọn

Chất thải sắc nhọn có trong chất thải nếu không được loại bỏ và xử lý đúng cách, chúng có thể gây thương tích, cắt, hoặc đâm vào người, gây ra vết thương và nguy cơ lây nhiễm nếu chúng nhiễm khuẩn hoặc có chứa chất lây nhiễm (HIV, viêm gan B,…).

b) Chất thải lây nhiễm

Trong loại chất thải này chứa rất nhiều mầm bệnh, vi khuẩn, vi rút. Nhất là nước thải từ những bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm cũng như trong các khoa lây nhiễm của các bệnh viện. Các mầm bệnh có thể truyền bệnh cho con người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua môi trường.Từ đó gây ra bùng phát dịch bệnh, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

c) Chất thải phóng xạ

Chất thải phóng xạ, chẳng hạn như dung dịch rửa phim X-Quang hoặc vật liệu tráng chì sử dụng trong ngăn tia xạ, có thể tạo ra tia X và tia gamma có thể gây hại cho con người nếu tiếp xúc trực tiếp mà không có bảo vệ. Việc tiếp xúc kéo dài với chất thải phóng xạ có thể dẫn đến nguy cơ ung thư, tổn thương tế bào nặng hơn sẽ làm ảnh hưởng đến mã gen.

4. Quy định về thu gom, xử lý chất thải y tế

Những quy định liên quan tới chất thải y tế được liệt kê tại điều 62 Luật bảo vệ môi trường 2020. Trong điều luật này nêu ra chi tiết các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người.

Xem thêm: Điều 62 luật Bảo vệ môi trường 2020

CÔNG TY TNHH HÓA CHẤT XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VIỆT KHANG

Chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển chất thải. Bên cạnh đó chung tôi cũng tư vấn, thiết kế, thi công và bảo trì bảo dưỡng các hệ thống xử lý khí thải. Liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí.

🏢 Địa chỉ:

Văn phòng:145 Đường K, Khu Trung Tâm Hành Chính, Khu phố Nhị Đồng 2, Phường Dĩ An, TX Dĩ An, Bình Dương

Chi nhánh: Số 70 Đường 13, KĐT Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thành Phố Thủ Đức, TP.HCM

☎️ Hotline: 0916 818 437 – 0274 3800 140

📧 Email: tuvan.moitruongviet@gmail.com

Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ bạn và cùng xây dựng một môi trường sạch hơn và bền vững cho tương lai!