Những ngày qua, trào lưu “Challenge For Change”, tạm dịch là “Thử thách thay đổi” là trao lưu cùng nhau dọn sạch rác ở nơi công cộng đã lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu hưởng ứng thử thách này.
Trào lưu này xuất phát rầm rộ từ những ngày đầu tháng 3/2019, cụ thể ngày 5-3, tài khoản Byron Roman đã đăng tải lên trang cá nhân của mình 2 hình ảnh về một khu đất trước và sau khi đã được dọn dẹp cùng với đó là lời nhắn: “Đây là thử thách mới dành cho các bạn thiếu niên rảnh rỗi đây. Hãy chụp ảnh một khu vực nào đó cần dọn dẹp hoặc sửa sang, sau đó chụp lại lần nữa khi bạn đã cải thiện nó, rồi đăng lên mạng”. Cụm từ khóa được Byron Roman sử dụng cho những hình ảnh này là #ChallengeForChange hay còn gọi là “Thách thức để thay đổi”.
Rất nhanh sau đó, những hình ảnh của Byron Roman đã nhận được tới 96.000 lượt like và 320.000 lượt chia sẻ cùng những lời hưởng ứng từ cộng đồng mạng về một hành động vì môi trường thay vì vô số những trào lưu vô bổ mà giới trẻ thường hay thực hiện hiện nay.
Hình ảnh do Byron Roman đăng lên Facebook đã thu hút hàng ngàn người trên thế giới tham gia dọn rác
Trào lưu dọn rác này nhanh chóng đến Việt Nam, trên trang mạng facebook đã bắt đầu xuất hiện một số hình ảnh của các bạn trẻ tại Đà Nẵng. Một vài nhóm phượt thủ cũng kêu gọi và bắt đầu hành động.
Một tấm hình làm ta thức tỉnh!
Thực tế đây chỉ là một “Trend” – trào lưu, mà đã là trào lưu thì sẽ chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi đi vào quên lãng. Thế nhưng những tấm ảnh được đăng tải trên mạng xã hội có tính thức tỉnh. Với đa số người Việt, bãi biển, cánh rừng đương nhiên là của công. Mà đã là của công thì không phải của mình, bãi rác đó cả xã hội thải ra, chắc là không có mình. Nhắc đến đây lại nhớ đến người làng Vũ Đại, ai cũng thầm nghĩ Chí Phèo chửi cả làng nhưng “chắc nó chừa mình ra”. Thế là Chí Phèo khản cổ chửi và … bãi biển ngày càng đầy rác. Bãi biển không phải của mình, bãi rác cũng không phải do mình, việc gì mình dọn chứ? Bãi rác ngày càng to hơn.
Ấy vậy mà với trào lưu ở tận bên tây lan sang bên ta, cái trào lưu ấy lại nổi như cồn. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Đúng là tụi trẻ rảnh rỗi và sống ảo.
Ồ, Không! Thay vì chê bai, mỗi người chúng ta nên ra tay hành động. Nếu mỗi người trong hơn 90 triệu dân bỏ ra vài phút nhặt rác, hoặc không 1 lần nào vứt rác bừa bãi, có lẽ môi trường không ô nhiễm như hôm nay. Môi trường không là của riêng ai, nhưng là của mỗi người.
Làm thế nào để một trào lưu trở thành một hành động thực sự ý nghĩa?
Bản thân việc dọn rác nơi công cộng đã là việc làm ý nghĩa. Nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu nó được thực hiện thường xuyên hơn. Và quan trọng hơn, kết hợp với việc dọn rác bạn sẽ tuyên truyền để hạn chế việc xả rác. Khi cả xã hội ra sức làm sạch môi trường, một người vứt rác sẽ thấy mình “cô đơn” lắm, thế là họ gia nhập vào đám đông và tự tin đứng vào hàng ngũ của những người có ý thức.
Ngoài ra, có một lưu ý nhỏ giành cho những bạn ra quân làm sạch môi trường: mục đích của việc này là làm sạch môi trường và hạn chế đến tối thiểu lượng rác thải về sau. Do đó vật dụng chuẩn bị thu dọn rác cũng nên vừa đủ, hạn chế dùng nhiều túi ni lông, găng tay cao su, bởi đây đều là vật liệu khó phân hủy. Thực tế có một số nơi đưa ra phong trào hoành tráng, sự chuẩn bị chu đáo đến mức lượng rác thu gom được thậm chí còn ít hơn các vật dụng ban đầu. Lượng rác thực sự đã nhiều hơn đáng kể.
Túi ni lông/găng tay sinh học tự hủy nên được cân nhắc sử dụng.
Để không phải thu gom rác, tốt nhất là không xả rác.
Nguồn: Môi trường Việt Khang