NGHỊ ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN ĐƠN GIẢN HOÁ NHƯNG HIỆU QUẢ

Ngày 29/3 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón, theo đó đa phần các đại biểu đều cho rằng:

Nghị định mới cần tôn trọng các Luật đã ban hành cũng như phát huy và duy trì những điểm tích cực của Nghị định cũ.

nghi-dinh-quan-ly-phan-bon
nghi-dinh-quan-ly-phan-bon

Dự thảo sửa đổi Nghị định 202 về quản lí phân bón được kỳ vọng trên tinh thần đơn giản mà hiệu quả

Góp ý về dự thảo, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh, song song với việc xây dựng dự thảo, các đơn vị chuyên môn của Cục BVTV cần gấp rút hoàn thành quy chuẩn tiêu chuẩn quốc gia về phân bón để kịp thời ban hành khi Nghị định mới có hiệu lực, tránh để xảy ra tình trạng như trước đây, Nghị định ban hành, song quy chuẩn tiêu chuẩn chưa có.

Trước nhiều ý kiến, dư luận cho rằng, nên chuyển đổi phương thức quản lí phân bón từ quy chuẩn tiêu chuẩn về danh mục giống như Nghị định 191 trước đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, phải hết sức cân nhắc, bởi hầu hết các nước trên thế giới đều quản lí theo tiêu chuẩn quy chuẩn, nếu Bộ NN-PTNT quay về quản lí theo danh mục sẽ là một bước lùi.

Theo ông Ngọc, trước tiên cần có văn bản đánh giá lại toàn diện Nghị định 202, cái nào tiến bộ, cái nào còn hạn chế để từ đó có hướng sửa đổi cho phù hợp. Đặc biệt, khi xây dựng phải bám sát các luật đã ban hành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, Luật Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa… trên tinh thần hạn chế bớt những thủ tục, công đoạn rườm rà, giấy phép con.

Đồng tình quan điểm này, đại diện Thanh tra Bộ NN-PTNT cho rằng, Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 202 về quản lí phân bón đầu tiên cần phải tuân thủ và không đi ngược với các luật đã hiện hành. Do đó, không có lí do gì để quản lí theo danh mục, bởi luật và ngay cả Nghị định 202 đã thừa nhận tính hợp pháp của các quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành rồi. Vì vậy, mặc dù thời gian đòi hỏi rất gấp, song Bộ NN-PTNT mà trực tiếp là Cục BVTV cần hết sức lưu ý các điều khoản, quy định mới tránh gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

Lấy kinh nghiệm quản lí phân bón của Thái Lan, ông Phan Văn Tâm – Giám đốc Maketing Cty CP Phân bón Bình Điền góp ý thêm, khi tiến hành sửa đổi Nghị định 202 phải thấu hiểu được nỗi khổ của doanh nghiệp. Ngay như việc thay đổi số điện thoại, phân bón Bình Điền phải đội thêm chi phí cả chục tỉ đồng để in lại bao bì, nếu bây giờ lại yêu cầu doanh nghiệp phải khảo kiệm nghiệm lại rồi mới được đưa vào danh mục cấp phép lưu hành thì quả thực quá sức chịu đựng.

Theo chia sẻ của ông Tâm, Thái Lan hiện có cách quản lí phân bón khá hay. Theo đó, doanh nghiệp muốn đăng ký lưu hành sản phẩm buộc phải gửi hồ sơ tới cơ quản quản lí của Nhà nước để kiểm tra. Theo đó, doanh nghiệp phải đem mẫu phân và cả mẫu bao bì đến để cơ quan phân tích, đối chiếu xem có đúng với những gì doanh nghiệp tự công bố hay không, chứ không phải như Việt Nam doanh nghiệp muốn ghi gì trên bao bì cũng được.

Không đồng tình với một số điều trong dự thảo sửa đổi Nghị định 202, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tinh thần hiện nay là Chính phủ kiến tạo, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nên Nghị định 202 mới cần phải đảm bảo được xây dựng trên tinh thần này, tránh việc đưa ra các quy định quá chi tiết, các giấy phép con đi ngược lại với xu thế.

Đơn cử như việc yêu cầu giám đốc doanh nghiệp phân bón phải có bằng chuyên môn, các đại lí kinh doanh phân bón phải có bằng trung cấp rồi yêu cầu phải có nhà xưởng đạt yêu cầu, toàn những quy định mạng tính cảm tính, không có căn cứ, tham chiếu để đánh giá khách quan.

Phát biểu định hướng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị Cục BVTV cần gấp rút triển khai thành lập ban soạn thảo Nghị định cũng như tổ chức xin ý kiến các đơn vị chuyên môn, nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan quản lí, doanh nghiệp trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, bởi thời hạn phải trình dự thảo Nghị định mới theo yêu cầu của Chính phủ chỉ còn hơn 2 tháng.

Theo đó, khoản nào Nghị định trước đã tốt rồi, thực hiện xong rồi nên thừa nhận, quy định nào còn bất cập, kẽ hở tiến hành nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi cho phù hợp hơn, trên tinh thần đơn giản nhưng phải hiệu quả.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam