DU LỊCH VÀ MÔI TRƯỜNG, VÌ CHÚNG TA CẦN NHAU

Du lịch và môi trường tại Việt Nam như chú cá cảnh và bể nước, bể nước đang ngày càng ô nhiễm còn chú cá sức khỏe ngày một yếu đi.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ mà đi đầu là ngành kinh tế. Đất nước thay da đổi thịt từng ngày kể từ thời kỳ đổi mới (1986). Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tăng cao tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh ngành công nghiệp đang phát triển mạnh, ngành dịch vụ cũng có tốc độ tăng trưởng rất khả quan, trong đó du lịch – “ngành công nghiệp không khói” là tiêu biểu cho xu hướng đó. Thế nhưng sự phát triển này đặt ra nhiều thách thức, một trong số đó là yêu cầu bảo vệ môi trường.

Theo Tổng cục du lịch, năm 2018 Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế 19,9%, đón khoảng 16 triệu lượt khách quốc tế và 76 triệu lượt khách nội địa. Số lượng khách lớn tạo áp lực về môi trường đối với điểm đến du lịch, đô thị, giao thông ….

Môi trường Việt Nam với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới thuận lợi, bãi biển trong xanh, cảnh quan môi trường lý tưởng để khai thác du lich quanh năm. Đây là yêu cầu cơ bản để phát triển du lịch. Thế nhưng muốn phát triển bền vững, du lịch phải đi đôi bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

Đây là thực trạng nhức nhối tại Việt Nam, các bãi biển ngày một xấu hơn khi đưa vào khai thác du lịch; nước biển ngày một đen hơn bởi nước thải từ nhà hàng, quán ăn, rác thải tràn ngập khắp nơi.

Ảnh 1: nước thải đen ngòm khu vực Hòn Chồng, Nha Trang (9/2018, Ảnh Báo Lao động)

Ảnh 2: Bãi rác tại Phú Quốc (4/2018) (Nguồn: Báo Người lao động)

Khi môi trường ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đến việc khai thác du lịch, nhẹ thì giảm sự hài lòng đối với du khách, nặng thì đóng cửa điểm tham quan. Rác thải, nước sinh hoạt từ hoạt động du lịch không được xử lý triệt để sẽ thẩm thấu vào mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương.

Vậy nguyên nhân nào đưa đến hậu quả như vậy?

Đầu tiên phải nói đến là ý thức của người dân, cơ sở kinh doanh du lịch và một bộ phận khách du lịch, nhất là khách nội địa. Người dân và khá nhiều du lịch xem việc xử lý rác cốt chỉ để sạch cho chính mình, rác vứt ra khỏi nhà là được, nước thải xả ra khỏi tàu chở khách của mình là được, chai nước thả trôi theo dòng nước hay bất cứ đâu, miễn không phải xung quanh chỗ ngồi là được.

Tiếp theo, sự quản lý của nhà nước còn khá buông lỏng. Văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được đưa ra nhưng việc thực thi còn nhiều hạn chế. Khi pháp luật chưa nghiêm thì ý thức sẽ rất khó hình thành một cách nhanh chóng.

Việc nghiên cứu để đưa ra các thông số cụ thể về môi trường chưa được thực hiện đúng yêu cầu. Một điểm du lịch sinh thái như khu rừng nguyên sinh, bãi biển hang động đá vôi… có sức chứa của nó, nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định chỉ chứa được tối đa một lượng khách nhất định.

Giải pháp nào để cải thiện chất lượng môi trường trong thời gian tới?

Việc giáo dục ý thức đối với người dân địa phương để chính họ tự bảo vệ môi trường sống cho chính mình và các thế hệ mai sau. Những người trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch cần gương mẫu, tích cực tuyên truyền đến du khách về môi trường. Hạn chế sử dụng chất thải khó tiêu hủy, việc tái sử dụng và sử dụng các vật liệu tái chế luôn được khuyến khích. Bên cạnh đó việc nghiên cứu về môi trường đầy đủ trước và trong khi khai thác du lịch cần được tính đến.

Về mặt pháp lý, việc tăng cường quản lý nhà nước như thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để phải thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Các cơ sở kinh doanh du lịch cần trang bị hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, tránh xử trực tiếp ra môi trường. Rác thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động du lịch cần được tập trung, phân loại và thu gom đúng theo quy định.

Thay lời kết: Môi trường – vấn đề không phải của riêng ai nhưng là vấn đề của mọi người, mọi gia đình.