“Chương trình không chất thải” hướng đến cắt giảm chất thải tại nguồn.
(TN&MT) – “Chương trình không chất thải” hướng đến cắt giảm chất thải tại nguồn, tìm ra các giải pháp thay thế nhựa sử dụng một lần cho ngành du lịch; góp phần giảm ô nhiễm chất thải nhựa, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm ở vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.
Ngành du lịch và khách sạn đang góp phần gây ô nhiễm nhựa biển ở Vịnh Hạ Long. Nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ở Vịnh Hạ Long và Cát Bà, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, IUCN và các đối tác đang ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là du thuyền và các đại lý du lịch thực hiện một sáng kiến thông qua Liên minh Hạ Long – Cát Bà (HLCBA).
Theo thống kê của IUCN, 3 đợt dọn dẹp bờ biển và kiểm toán rác thải gần đây cho thấy một số con số gây sốc, tổng cộng khoảng 2,2 tấn rác được thu thập trong sáu giờ đồng hồ; 90% rác là các loại nhựa tái chế không sử dụng một lần; và polystyrene chiếm 70-80% trong tổng lượng rác thu được.
Trước thực tế đó, IUCN, Bhaya Group, Greenhub và Live & Learn phối hợp tổ chức “Chương trình không chất thải” – một phần trong Liên minh Hạ Long – Cát Bà. Qua đó, hướng tới việc “không lãng phí chất thải để chôn lấp” với mục đích cắt giảm chất thải tại nguồn. Việc thành lập chương trình này giới thiệu các giải pháp thay thế nhựa sử dụng một lần cho ngành du lịch, các công ty cũng được đào tạo để phân loại rác. Phân loại rác là bước đầu tiên để hiểu các loại, nguồn gốc và thành phần của chất thải trước khi thiết kế các chính sách chất thải phù hợp cho doanh nghiệp.
Chương trình cũng giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường được thực hiện tại Việt Nam, mà các công ty có thể sử dụng để thay thế như: bàn chải tre; ống hút bằng inox, tre và cỏ khô; xà phòng hữu cơ, dầu gội và chất tẩy rửa; chai nước uống cá nhân; và túi nhựa phân huỷ sinh học.
Sử dụng các sản phẩm như vậy có thể góp phần làm giảm dấu chân nhựa của các công ty du lịch. Đã có ít nhất ba công ty cam kết thay đổi cách họ hoạt động bằng cách mua các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các công ty khác nhận thấy tầm quan trọng của việc giảm chất thải nhựa trong hoạt động của họ và hiện cũng có kế hoạch mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Chương trình không chất thải” không chỉ đơn thuần là sáng kiến Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà còn mang lại lợi ích tài chính cho các công ty. Bởi lẽ, họ có thể bán lại các vật liệu tái chế, giảm dấu chân nhựa của công ty và cuối cùng xây dựng danh tiếng tốt cho doanh nghiệp.
Giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan thực hiện các phương pháp tiếp cận toàn diện trong việc quản lý vòng đời sản phẩm. Trách nhiệm môi trường mang lại lợi ích cho các công ty và môi trường trong thời gian dài.