Trước nỗi lo đốt rác phát điện làm phát thải dioxin, lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng “không nên hoang mang, công nghệ có thể kiểm soát”.
Chiều 8/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam”.
Một nhà máy xử lý rác điện khí hóa ở Hưng Yên. Ảnh: Gia Chính. |
Các đại biểu đã nghe trình bày về năm mô hình xử lý rác thải phổ biến ở Việt Nam, bao gồm: đốt rác phát điện; xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh; chôn lấp; điện khí hóa và đốt rác thông thường.
Hiện mỗi năm Việt Nam sản sinh 25,5 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó hơn 75% được xử lý bằng chôn lấp. Tuy nhiên, chỉ 30% số này là chôn lấp hợp vệ sinh. Quỹ đất dành cho việc chôn lấp ở nhiều tỉnh thành ngày càng hạn hẹp. Do đó đốt rác phát điện đang là phương án được nhiều địa phương lựa chọn.
Tuy nhiên, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư đặt vấn đề đốt rác phát điện thực chất là điện than, tại sao lại chọn khi cả thế giới đang loại bỏ?
“Chúng ta gần như không phân loại được rác tại nguồn nên khi đốt sẽ thải ra khí dioxin (chất độc da cam) mà phải công nghệ rất hiện đại mới có thể xử lý được. Vậy chúng ta có khẳng định là khí thải trong quá trình đốt rác có an toàn hay không?”, ông Đông nêu.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư. Ảnh: Gia Chính. |
Phản biện lại quan điểm trên, ông Lương Duy Hanh, đại diện Vụ pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng không nên hoang mang về vấn đề phát thải dioxin. Có rất nhiều loại nhựa, chỉ có nhựa PC mới phát thải ra dioxin, công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nước ngoài phân loại rác tại nguồn để tăng cường việc tái chế chứ không phải vì công nghệ xử lý.
“Đất nước ta còn nghèo, muốn làm ngay như các nước phát triển mất rất nhiều tiền, ta không làm được. Chúng ta chỉ có thể làm từng bước, nhưng không để gây ô nhiễm môi trường”, ông Hanh nói.
Cho rằng không thể vì nghèo mà chấp nhận công nghệ xử lý đốt rác phát điện, ông Đặng Huy Đông đề nghị các nhà khoa học cần có ý kiến về vấn đề này.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận tranh luận của đại biểu và khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến để nghiên cứu cụ thể trước khi đưa ra bộ quy chuẩn chung để hướng dẫn các địa phương thực hiện.
“Sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có 4 đoàn kiểm tra ở 25 tỉnh thành để ghi nhận việc xử lý rác thải cụ thể, từ đó lựa chọn ra công nghệ xử lý rác phù hợp nhất. Chúng ta mong muốn lựa chọn các công nghệ xử lý rác sinh hoạt phù hợp cả về giá thành và đảm bảo vấn đề môi trường”, ông Nhân nói.
Về việc quản lý rác thải, theo ông Đồng Phước An, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện một số địa phương còn chồng chéo. Điển hình là việc thành phố Hà Nội giao quản lý chất thải rắn cho Sở Xây dựng. Trong khi Sở này chỉ có Phòng hạ tầng kỹ thuật quản lý 5 lĩnh vực: rác thải sinh hoạt, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.
“Bộ phận quản lý chất thải rắn chỉ có 3 cán bộ, với nhân lực như vậy thì chỉ xử lý sự vụ cũng đã quá tải”, ông An nói và đề nghị giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chất thải rắn, bởi việc thu gom, vận chuyển, đánh giá tác động môi trường giao cho ngành xây dựng không thực sự phù hợp.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, trên thực tế chỉ 7-8 Sở Tài nguyên được giao nhiệm vụ quản lý về chất thải, những tỉnh còn lại đều được giao cho Sở Xây dựng. “Mới đây Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 09, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn”, ông Nhân nói.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lấy ý kiến các địa phương về việc giao quyền quản lý rác thải trên tinh thần các Sở Tài nguyên sẽ trực tiếp quản lý lĩnh vực theo đúng Nghị quyết của Chính phủ.