Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề, cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ.
Ngày 14/10/2016,Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMTvề bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề, cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Thông tư này quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cụm công nghiệp; khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; làng nghề; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thông tư gồm 7 Chương và 29 Điều. Ngoài Chương I về Quy định chung, Chương VII về Điều khoản thi hành, các chương còn lại của Thông tư quy định về: Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; Bảo vệ môi trường làng nghề; Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Phương án bảo vệ môi trường; Quan trắc môi trường.
Đối với bảo vệ môi trường cụm công nghiệp: Thông tư yêu cầu bảo vệ môi trường cụm công nghiệp từ khâu lập quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp. Cụ thể, quy hoạch các khu chức năng và loại hình sản xuất trong cụm công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Quy hoạch xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bảo đảm yêu cầu theo quy định. Diện tích cây xanh trong phạm vi cụm công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ cụm công nghiệp.
Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, bao gồm: hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; khu vực lưu giữ, xử lý chất thải rắn (nếu có). Thông tư cũng nêu rõ yêu cầu cần phải đáp ứng về xây dựng và quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp.
Các yêu cầu mới về phương án bảo vệ môi trường và quan trắc môi trườngThông tư cũng quy định rõ đối tượng phải lập phương án bảo vệ môi trường bao gồm: (a) cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở đang hoạt động có loại hình, quy mô tương đương đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP; (b) làng nghề
Các đối tượng lập phương án bảo vệ môi trường cho các hạng mục, công trình đã hoàn thành và vận hành chính thức theo tiến độ thực tế; trường hợp đã có hệ thống quản lý môi trường, trong đó đã tích hợp nội dung của phương án bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư này và đã được xác nhận theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP thì không phải lập phương án bảo vệ môi trường. Đối tượng đã có đề án bảo vệ môi trường chi tiết được xác nhận thì phải lập phương án bảo vệ môi trường sau khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc hoàn thành toàn bộ các công trình bảo vệ môi trường theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản.Phương án bảo vệ môi trường là một trong các căn cứ để đối tượng thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường và là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra.
Về quan trắc môi trường, các đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải, khí thải phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tần suất tối thiểu như sau: cơ sở có quy mô tương đương đối với đối tượng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP thực hiện quan trắc 01 lần/ 03 tháng; cơ sở có quy mô tương đương với đối tượng quy định tại Phụ lục 5.1 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT thực hiện quan trắc 01 lần/ 06 tháng; cơ sở có quy mô tương đương với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 32 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT thực hiện quan trắc 01 lần/01 năm.
Đối với các đối tượng đã có hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục chỉ cần thực hiện quan trắc nước thải, khí thải định kỳ theo quy định đối với các thông số chưa được quan trắc tự động, liên tục.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2016.
Nội dung thông tư chi tiết 31-2016-tt-btnmt