Rẻ, tiện dụng, túi ni lông và các bao bì nhựa khác được người tiêu dùng vô tư sử dụng, vô tư xả thải… khiến VN trở thành nước xả thải rác nhựa ra biển đứng thứ 4 thế giới!
Bạn trẻ dọn rác thải nhựa tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)- ẢNH: LÊ XUÂN THỌ
Túi ni lông từ chợ đến cửa hàng
Sáng 27.4, chúng tôi ghé chợ Vườn Chuối (Q.3, TP.HCM) mua trái cây. Sau một hồi lựa chọn, chúng tôi lấy xoài cát Hòa Lộc, măng cụt, xoài giống Thái Lan, quýt… Người bán một tay mở miệng chiếc túi mỏng dính, một tay bỏ vô, cứ mỗi loại một túi.
Chỉ riêng trái cây, chúng tôi xách trên tay từ 3 – 4 túi ni lông dù hành trình mua sắm vẫn tiếp tục. Đây mới chỉ là khởi đầu cho buổi chợ cuối tuần. Tạt vào chỗ bán chanh ớt quen, người bán hàng tay rút túi, tay lấy hành, ớt, rau thơm, mỗi loại một túi rồi lại thoăn thoắt bỏ cả 3 chiếc túi nhỏ vào một túi lớn hơn đưa cho khách, nói trỏng “12.000”.
Ở quầy kế bên, khách hàng mua bịch lá mát về nấu nước uống, một bao ni lông kích thước lớn hơn được rút ra đựng bó lá. Đó là chuyện quen thuộc ở bất cứ chợ nào tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tại bất kỳ quầy hàng nào trong chợ, cứ một món hàng bán ra là kèm thêm một túi ni lông tùy theo kích cỡ của hàng hóa. Những túi nhỏ ấy sẽ được lồng gọn trong 1 – 2 túi ni lông to để mang về nhà. Thử đếm sơ, một người đi chợ mua đồ ăn, thịt cá, trái cây đủ dùng cho gia đình trong một ngày đã sử dụng tối thiểu từ 5 – 6 túi ni lông các loại, nhiều lên đến chục túi.
Việc vô tư sử dụng túi ni lông tại VN đang góp phần làm môi trường ô nhiễm
Ảnh: Ngọc Dương – Đồ họa: Hồng Sơn
Điều này cũng diễn ra tương tự ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Các quầy trái cây, rau củ quả ở đây đều để sẵn các cọc túi ni lông để khách hàng thoải mái sử dụng. Mới đây dù một số siêu thị đã tự động chuyển sang sử dụng lá chuối để gói rau nhưng tỷ lệ này chỉ mới chiếm rất nhỏ.
Không chỉ được sử dụng rộng rãi ở các chợ hay siêu thị, túi ni lông, ly nhựa, hộp nhựa cũng là sản phẩm quen thuộc của mọi hàng quán khác nhau. Theo chị Lê (Q.4, TP.HCM), do bán nước ngoài vỉa hè nên chị hay mua loại ly nhựa để không phải rửa ly. Giá một lốc 50 ly nhựa khoảng 14.000 đồng, tăng 2.000 đồng so với trước đây, tính ra giá mỗi ly nhựa 280 đồng/cái. Giá ly nhựa rẻ nên theo chị Lê sử dụng tiện hơn ly thủy tinh nhiều vì không phải tốn nước, xà phòng cũng như công rửa ly, thêm vào đó cũng dễ dàng để khách mua mang đi.
Giá rẻ nhất thế giới?
Túi ni lông được sử dụng dễ dãi, tràn ngập khắp nơi xuất phát từ việc giá bán sản phẩm này quá rẻ. Tại chợ Vườn Chuối (Q.3, TP.HCM), một người bán cho biết giá túi ni lông có tay cầm lớn hay nhỏ đều 5.000 đồng/lạng. Một lạng có 25 túi, tương đương mỗi túi chỉ có 200 đồng. Còn loại không tay cầm, nhỏ hơn thì mỗi lạng có 45 cái, tương đương mỗi cái chỉ hơn 100 đồng. Loại túi càng nhỏ thì số lượng càng nhiều và giá sẽ còn rẻ hơn. Thậm chí, có loại túi màu đen giá chỉ 3.000 đồng/lạng, tương đương khoảng 60 đồng/cái. Hỏi có biết chuyện nhà nước sắp tăng thuế với túi ni lông, người bán hồn nhiên “đắt hơn thì vẫn phải dùng vì không có túi ni lông thì biết dùng cái gì đựng đồ?”.
Tương tự, mua các loại ly nhựa cũng đơn giản và giá rất mềm. Trao đổi qua điện thoại với cơ sở NT (đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chuyên phân phối mặt hàng này, người bán hàng báo giá một thùng ly nhựa PP thể tích 220 ml giá 400 đồng/cái, 350 ml giá 450 đồng/cái, 500 ml giá 500 đồng/cái.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, chị Ngọc Lan hiện đang sống tại Úc, cho biết tại đây, khi đi mua sắm ở siêu thị, nếu có nhu cầu thì khách hàng phải mua túi ni lông từ 10 – 15 cent, tương đương khoảng 2.000 – 3.000 đồng/túi. “Mỗi lần về VN tôi thấy túi ni lông được xài thoải mái. Chắc do sử dụng miễn phí nên người mua hàng cứ vô tư sử dụng và xả rác”, chị Ngọc Lan chia sẻ.
Thải rác nhựa đứng thứ 4 thế giới
Công bố mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) vào ngày 20.4, rác thải sinh hoạt đô thị của VN đã tăng gấp 2 lần trong 15 năm qua với tốc độ tăng trung bình là 5%/năm. Tính trung bình, mỗi người dân đô thị đang thải ra môi trường khoảng 1,6 kg rác/ngày. Đặc biệt, mức tiêu thụ và xả thải nhựa bình quân ở VN đang tăng nhanh.
Năm 1990, mỗi người Việt trung bình chỉ tiêu thụ 3,8 kg nhựa/người thì đến năm 2015 đã tăng gấp hơn 10 lần, lên tới 41 kg/người/năm. Đáng báo động, lượng rác thải nhựa ngày càng tăng, nhưng phần lớn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định. Một lượng lớn bị thải ra sông và dần trôi ra biển.
Một khảo sát của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng cho thấy tại VN, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như ở Hà Nội mỗi ngày thải ra 4.000 – 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7 – 8%. Như vậy, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác nhựa và túi ni lông/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông cả nước chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Vào cuối năm 2018, đại diện Chương trình Môi trường LHQ công bố thông tin mỗi năm VN xả ra đại dương 0,28 – 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Theo dự báo của các nhà khoa học, trong khoảng 10 năm tới, nếu không có hành động cụ thể để giảm xả thải, lượng rác thải nhựa ra biển sẽ tăng gấp đôi. Dự báo đến năm 2050, các đại dương sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn các loại cá.
Ông Nguyễn Trung Việt, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, nhận định nguyên nhân chính khiến việc sử dụng các loại túi ni lông, túi nhựa ở VN tràn lan là do thói quen lâu năm của người dân, giá các sản phẩm này quá rẻ trong khi ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. “Để hạn chế việc thải rác nhựa nguy hiểm vào môi trường, cần đưa ra lộ trình cấm sản xuất túi ni lông hay các loại ly cốc nhựa. Nên quy định rõ đến 2025 sẽ không còn sản xuất túi nhựa. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ phạt rất nặng, đóng cửa kinh doanh. Các quy định về bảo vệ môi trường đều đã có và VN không nên chần chừ nữa vì vấn nạn này đang trở nên nghiêm trọng. Nếu chỉ khuyến khích, kêu gọi các cửa hàng, các chợ hay người tiêu dùng tự nguyện không dùng túi ni lông thì không biết đến khi nào mới hạn chế được”, ông Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh.
Từ đầu năm 2019, thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm túi ni lông là 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với mức thuế trước đó. Tuy nhiên cách đây 2 năm, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) có góp ý liên quan đến việc đánh thuế túi ni lông cũng chưa có tác dụng đến hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng. Bởi cách đánh thuế dựa trên khối lượng túi sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi ni lông mỏng, còn các loại túi ni lông dày lại phải chịu thuế cao hơn. Đây là cách đánh thuế chưa thực sự phù hợp vì loại túi ni lông mỏng gây tác hại lớn hơn đến môi trường, dẫn đến việc người bán lẫn người mua sử dụng nhiều túi ni lông mà không e ngại. Kinh nghiệm một số nước đánh thuế dựa trên số lượng túi sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường.