Sẽ mất khoảng 70 tỷ đồng để đưa rác từ Côn Đảo về đất liền xử lý

Để đưa rác từ huyện Côn Đảo về đất liền xử lý, UBND huyện Côn Đảo ước tính sẽ mất khoảng 70 tỉ đồng từ tiền ngân sách tỉnh.

Theo báo Người lao động, chiều 25/4, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã họp với UBND huyện Côn Đảo và các sở, ngành liên quan về tổng hợp các phương án xử lý rác tồn đọng tại bãi rác Bãi Nhát, huyện Côn Đảo.

Hiện nay khối lượng tồn đọng tại bãi rác Bãi Nhát, Côn Đảo ước tính khoảng 70.000 tấn và lượng rác phát sinh hàng ngày khoảng 15 tấn/ngày. Theo báo cáo của huyện Côn Đảo, hiện nay toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của huyện Côn Đảo được thu gom về bãi rác khu vực Bãi Nhát với diện tích 3.800m2 chôn lấp đơn giản. Do thời gian sử dụng quá lâu (trên 20 năm) nên bãi rác quá tải, diện tích chứa rác hiện chỉ còn khoảng 300m2. Ngoài ra, nước rỉ rác đang xâm nhập và làm ô nhiễm nguồn nước, đất tại đây, đe dọa môi trường bãi tắm Bãi Nhát ở gần đó và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Theo báo cáo tổng hợp của UBND huyện Côn Đảo, huyện đề xuất 3 phương án xử lý rác, như: Phương án xử lý rác của Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại Tân Đa Lộc theo công nghệ đốt chất thải sinh hoạt và lò đốt chất thải rắn công nghiệp nguy hại; Phương án 2 vận chuyển rác tồn đọng về đất liền, bằng cách ép rác, đóng kiện chuyên dụng, vận chuyển bằng tàu về đất liền và chuyển về Khu xử lý rác thải tập trung xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ của Công ty TNHH Kbec Vina; Phương án 3 là Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp phát điện tại huyện Côn Đảo, với công suất 40 tấn/ngày của Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Minh Phong, tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng.

Núi rác ở Côn Đảo. Ảnh: Internet.

Qua phân tích 3 phương án trên, UBND huyện nhận thấy phương án 2 là phương án khả thi nhất, với các lý do: có thể triển khai ngay được sau khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương do đơn giá, định mức có sẵn và đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, với thời gian thực hiện khoảng 7 tháng giải phóng được lượng rác đang tồn đọng (khoảng 70.000 tấn) nhanh nhất và sẽ hoàn thành trong năm 2019. Với phương án này, kinh phí vận chuyển và xử lý khoảng 1 triệu/1 tấn, tương đương với 70 tỉ đồng từ tiền ngân sách tỉnh.

Trước đó, tại cuộc họp với UBND Bà Rịa Vũng Tàu, các cơ quan chức năng huyện Côn Đảo, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đồng ý với phương án của huyện Côn Đảo đề xuất là vận chuyển rác thải sinh hoạt tại bãi rác Bãi Nhát của huyện Côn Đảo về đất liền xử lý.

Tuy nhiên, theo phương án mà cuộc họp đưa ra, tổng kinh phí cho việc đóng ép, vận chuyển toàn bộ lượng rác tại bãi rác Bãi Nhát hiện tại về đất liền mới khoảng 35,5 tỷ đồng được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh. Nhưng tại cuộc họp lần này kinh phí đã được tăng lên khoảng 70 tỉ đồng.

Bãi rác tại Côn Đảo rộng gần 4.000m2 và đã sử dụng để chôn rác trong hơn 20 năm qua. Đến nay, diện tích chỉ còn khoảng 300m2. Lò đốt rác ở đây chỉ xử lý được khoảng 5 tấn/ngày, trong khi lượng rác phát sinh hàng ngày là khoảng 15 tấn.

Côn Đảo là một huyện nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có dân số chưa tới 10.000 người nhưng những năm qua, lượng khách du lịch đến đây tăng mạnh. Ngoài việc giúp ngành du lịch ở Côn Đảo phát triển thì chuyện phát sinh vấn đề ô nhiễm do rác thải từ lượng lớn du khách cộng với rác thải từ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, xây dựng và vô số những hoạt động khác đã dẫn đến tình trạng quá tải cho việc xử lý rác thải.

Nguồn: moitruongvadothi.vn