Công ty TNHH Hóa chất Xây dựng Môi trường Việt Khang – Chuyên lập các báo cáo môi trường, ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải, khai thác nước ngầm và các dịch vụ liên quan tới Môi trường.
Tư vấn miễn phí – Liên hệ: 0902.576.506
Hiện nay, lượng sản phẩm nhựa, nilon được sản xuất và sử dụng rồi thải bỏ ra môi trường theo thói quen tiêu dùng của người dân ngày càng tăng. Các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Rác thải nhựa và nilon – Thảm họa “ô nhiễm trắng”
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015.
Việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được “kiểm soát”, từ năm 2016-2018, tuy nhiên, lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vẫn tăng, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.
Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượngchất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng chưa được phân loại tại nguồn; chất thải nhựa có giá trị tái chế được thu gom mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do.
Phế liệu nhựa từ sinh hoạt được thu gom từ nhiều nơi như hộ gia đình, siêu thị, bãi rác…. Chất thải nhựa không có hoặc có giá trị tái chế thấp là túi nilon, hộp xốp các loại, ống hút nhựa bị thải ra môi trường, đặc biệt, hiện nay việc sử dụng là túi nilon thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng.
Thực hiện hiệu quả chính sách, thay thế dần túi nilon khó phân hủy
Việt Nam đã có các chính sách để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt, quản lý tổng hợp chất thải rắn. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với bộ, ngành và địa phương tổ chức các hội thảo phổ biến, tuyên truyền tác hại của việc sử dụng một lần túi nilon khó phân hủy, khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi nilon, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn như túi nilon phân hủy sinh học.
Bộ tiếp tục thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu “Năm 2020 giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010”.
Nguồn: tinmoitruong.vn