Có chứng kiến công trường khai thác, hệ thống lắng lọc, cũng như các đập chứa bùn thải trên đỉnh núi Lan Toong, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, mới thấy được việc làm bừa, làm ẩu của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc.
Cận cảnh đập vỡ
Vị trí đập chứa bùn thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc (Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh) nằm ở độ cao khoảng trên 600m. Phải vượt qua hai con dốc Xoắn và dốc Đại ca để lên đỉnh Lan Toong; sau đó, mất thêm hơn gần một giờ đồng hồ trượt theo sườn núi, vượt qua khu vực khai thác, sàng tuyển thiếc, hệ thống các đập lắng lọc… mới đến được vị trí đập vỡ.
Đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu trên núi Lan Toong bị vỡ ngày trong ngày 9/3/2017. Ảnh: Nhật Lân.. |
Ngay từ khi ngang qua các vị trí sàng tuyển thiếc, hệ thống đập chứa lắng lọc nước, đã thấy cung cách khai thác của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc hết sức thủ công, không hề mang tính bền vững. Và hệ thống xả nước thải, bùn thải là rất tùy tiện. Hệ thống xả thải được đổ ra từ nơi sàng tuyển thiếc, đi qua mương đất lót bao bố chỉ vài chục cm, sau đó đổ xuống các khe nhỏ để chảy vào đập chứa. Mương đất, và các khe vương vãi bùn. Có những vị trí trên sườn núi, xuất hiện những đám bùn quánh đen.
“Đường ống” dẫn bùn thải từ khu vực sàng tuyển thiếc xuống đập chứa. Ảnh: Đào Tuấn. |
vigrx plus in the uk |
Bùn thải vương vãi có ở nhiều nơi, từ khe suối lẫn sườn núi. Ảnh: Nhật Lân. |
Đập chứa bùn thải bị vỡ, là một hố nhân tạo nằm cheo leo chỉ cách đỉnh núi chừng 100m, có diện tích rộng khoảng 3000m2. Gần như 3 mặt của đập, tựa vào vách núi; mặt còn lại được doanh nghiệp đắp bằng đất, như một chiếc đê chắn nhỏ. Và hiện trạng của đê đó như mới hứng chịu một trận động đất lớn, làm vỡ toác khoảng giữa có chiều dài gần 30m; đồng thời xuất hiện nhiều đường nứt, lún sụt lớn.
Bởi toàn bộ đất ở đê chắn còn tơi xốp, có thể xác định doanh nghiệp làm trong một thời gian chưa lâu; lu lèn dối nên khả năng chịu tải, chịu lực kém. Và đây là nguyên nhân dẫn đến vỡ đập. Trên bền mặt của đập chứa, không còn nước thải nhưng bùn thải vẫn còn khá nhiều, có màu xám đen. Từ bùn thải bốc lên mùi hôi của diêm sinh nồng nặc, hết sức khó chịu.
Anh Lô Văn Thành, cán bộ môi trường xã Châu Thành là một trong những cán bộ đã lần theo khe suối để phát hiện ra sự cố vỡ đập chứa bùn thải. Thành kể rằng: Vào lúc 9h ngày 9/3, từ miệng đập vỡ, bùn và nước thải vẫn tuôn ra sườn núi, hòa vào suối Bắc và chảy xuống hạ lưu.
Thành nói: “Cung cách đắp đập đất thủ công như thế này để chứa bùn thải hết sức nguy hại. Chưa nói đến nguy cơ vỡ đập có thể xảy đến bất cứ lúc nào thì với việc đường vận chuyển từ núi cao xuống không có, một khi đập hết sức chứa, doanh nghiệp sẽ lợi dụng thời tiết để xả thải bùn xuống khe và sườn núi…”.
Doanh nghiệp không thể biện minh
Theo Báo cáo số 01 ngày 10/3/2017 của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, ngoài được cấp phép khai thác, họ có giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép xả thải vào nguồn nước do cơ quan có thẩm quyền cấp. Về việc hệ thống xả thải, đối với nước thải được sử dụng theo hình thức tuần hoàn khép kín trong hồ chứa thải để lắng lọc; nước thải sau đó thải ra môi trường theo giấy phép đã được cấp.
Cũng tại báo cáo, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh cho rằng chiều dài đập bị vỡ chỉ khoảng 12m; lý do bị vỡ là có mạch nước ngầm dưới chân đê chắn; tại thời điểm xẩy ra sự cố nước trong đập chứa chỉ khoảng 100m3.
Liên quan đến vấn đề môi trường thì “Trong dòng nước chảy qua địa phận xã Châu Thành (sau khi được lắng lọc theo quy định). Cách điểm xả thải của công ty (khoảng 600m), có một nguồn nước thải từ suối Mai chảy về, theo phán đoán của công ty thì có một bộ phận khai thác ở vị trí lân cận”. Và để khắc phục sự cố, công ty dừng mọi hoạt động sản xuất của xí nghiệp để phục vụ công tác khắc phục…
Bùn thải của thiếc có màu xám đen, bốc mùi hôi diêm sinh. Ảnh: Đào Tuấn. |
Vậy nhưng tại thời điểm chúng tôi có mặt tại vị trí đập vỡ, chỉ có một số cán bộ, công nhân và một chiếc máy xúc của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc đang thực hiện “khắc phục sự cố”. Cách khắc phục họ đang thực hiện là dùng máy xúc đắp một con đê nhỏ phân đôi đập chứa. Phần trong sau khi tạo thêm chiếc đê chắn, là để tiếp tục chứa bùn thải, nước thải từ hệ thống sàng tuyển đổ xuống. Còn phần ngoài đập có đê chắn bị vỡ vẫn để nguyên.
Hỏi vị cán bộ của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc đang phụ trách “khắc phục sự cố” là ông Nguyễn Linh Toàn, Phó Giám đốc thì ông này cho hay, việc làm đập ngăn như vậy là để ngăn nước thải từ trên cao xuống không rò rỉ ra môi trường. Còn về việc đắp đập chứa, là được thực hiện theo phương án, thiết kế đã được phê duyệt…
Đê chắn ngoài bị vỡ, còn xuất hiện những đường nứt lớn và lún sụt. Ảnh: Nhật Lân. |
Với phương án đắp đê chắn bằng đất có sức chịu tải yếu, làm sao có khả năng chứa được một lượng bùn thải theo thiết kế đến trên 10.000m3 bùn thải? Ông Nguyễn Linh Toàn phân bua: “Bây giờ nói là để biện minh thì không dám, nhưng việc dân thắc mắc là công ty chuyên thải nước bẩn ra bên ngoài là không có. Các xã Châu Hồng, Châu Thành cũng lên kiểm tra thường xuyên. Trong thiết kế thì đê chắn được đắp bằng đất gia cố kiên cố. Còn sự cố là việc xẩy ra ngoài ý muốn…”.
Trưởng phòng TN&MT Quỳ Hợp, ông Lê Sỹ Hào phát hiện một “họng” xả thải bùn. Ảnh: Đào Tuấn. |
Cũng ở nơi đây, khi được hỏi về sự cố và việc thi công đập chứa bùn thải của Công ty CP Kim loại màu trên núi Lan Toong, ông Lê Sỹ Hào – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp nói rằng: “Thời điểm huyện Quỳ Hợp và các cơ quan chức năng của tỉnh lập biên bản thì xác định có khoảng 200m3 bùn thải đã bị tràn ra môi trường. Nhưng đó là con số ước lệ. Còn về việc thi công đập chứa là quá sơ sài. Với đập chứa như thế này, hệ lụy có thể xẩy đến bất cứ lúc nào…”. Ông Hào cũng khẳng định, qua kiểm tra hiện trường, Phòng TN&MT đã báo cáo đúng hiện trạng thực tế đến lãnh đạo huyện để có biện pháp xử lý…
Dòng Nậm Huống (đoạn qua xã Châu Cường) có nước màu vàng đục; hai bên bờ, bùn có màu xám đen như bùn thải thiếc. Ảnh: Nhật Lân |
Như đã chứng kiến tận mắt hệ thống khai thác, sàng tuyển, hệ thống đập chứa cùng cách vận hành xả thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh trên đỉnh núi Lan Toong, chúng tôi nhận định, đây là cung cách khai thác khoáng sản theo kiểu làm bừa, làm ẩu.
Những đập chứa bùn thải độc hại ở độ cao 600 – 700m thế này, như là những “túi bom bẩn”, thường trực mối họa cho hệ sinh thái, môi trường; tác động xấu đến đời sống của người dân. Và sự cố vỡ đập ngày 9/3/2017 là một bằng chứng không thể chối bỏ./.
Nguồn: Báo Nghệ An