Ô nhiễm chì từ pin tái chế đe dọa chết người

Trên khắp thế giới, các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ tái chế chì từ pin xe hơi đang tăng trưởng. Các chuyên gia cho rằng nạn ô nhiễm chì từ những hoạt động không được kiểm soát này là một mối đe dọa chết người…

Hiểm họa rình rập trẻ em từ pin chì của ô-tô

Trên khắp thế giới, việc tái chế pin chì không an toàn (chủ yếu là từ ô-tô) đang lan rộng. Ông Perry Gottesfeld từ tổ chức Occupational Knowledge International (một tổ chức có trụ sở ở San Francisco, chuyên vận động toàn thế giới chống lại ô nhiễm công nghiệp) đã gọi ô nhiễm chì là “mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng nhất đối với trẻ em”.  

Tại Senegal, 18 đứa trẻ đã bị chết chỉ trong vòng 3 tháng do chứng nhũn não vì nạn ô nhiễm độc chì từ nhà máy tái chế pin ở vùng ngoại ô Dakar. Ngoài 18 đứa trẻ đó ra, có thêm hàng trăm đứa trẻ trong khu dân cư bị ngộ độc.


Một người đang nấu chì theo cách thủ công ở Pesarean (Indonesia). Ảnh nguồn: Pure Earth

Phía bên kia California, một lò nấu chì khổng lồ đặt tại thành phố Torreon (Mexico), nơi có tiền sử về nhiễm độc máu trẻ em trong khu dân cư và kéo dài nửa thế kỷ. Từ lâu, nạn ô nhiễm không khí, đất và nước đã được ghi nhận quanh các xưởng nấu và tái chế chì lớn và nhỏ. Các bác sĩ đều biết rằng chì có thể dễ dàng bị hít hoặc nuốt vào, khi chui vào mạch máu, bụi chì sẽ lập tức đi từ đường tiêu hóa đến não.

Mặt khác, nên biết rằng chì là một chất độc thần kinh mạnh và chưa từng có mức độ nào được cho là an toàn. Bên cạnh việc gây sốt và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, ngộ độc chì còn làm tổn hại sự phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ ngay cả khi chỉ là một liều thấp, giảm chỉ số thông minh (IQ), mất sự chú ý, và các chứng rối loạn cảm xúc.

Ngộ độc chì còn được cho là căn nguyên bùng phát các hành vi bạo lực trong các cộng đồng trên đất Mỹ và thế giới. Báo cáo của UNICEF đã lưu ý: Chì tàn phá cơ thể theo một cách âm thầm. 1/3 trẻ em trên thế giới đang bị ngộ độc chì từ pin tái chế và từ các nguồn khác.

Lợi nhuận béo bở nhưng là mối nguy cho sức khỏe con người

Ước tính có khoảng 85% lượng chì được sử dụng ngày nay nằm ở pin, chủ yếu là dùng cho ô-tô. Và khi hết pin thì 99% lượng pin hết hạn sẽ được tái chế để tạo ra pin mới. Kinh doanh pin tái chế rất béo bở, đây là nghề hái ra tiền. Hàng vạn người phá các cục pin và các lò nấu chì trên khắp thế giới đang tìm cách kiếm tiền từ nó, thu thập nguồn pin dồi dào đã qua sử dụng và biến chúng thành sản phẩm mới toanh.

Theo tổ chức International Lead Association (Hiệp hội chì quốc tế, ở London) thì: “Hơn 6 triệu tấn chì được thu gom mỗi năm. Pin chì là sản phẩm tiêu dùng được tái chế nhiều nhất trên thế giới, nhờ việc tái chế mà người ta không còn phải khai thác nó nữa”.

Vì rất ít quy định ràng buộc nên tại nhiều quốc gia trên thế giới, những nhà khai thác quy mô nhỏ đã cạnh tranh với ngành công nghiệp nấu pin hợp pháp. “Tổng một nửa số pin nằm trong nền kinh tế phi chính thức – nơi các quy trình tái chế không được kiểm soát và thường phạm pháp đã làm vỡ các vỏ hộp pin, làm chảy acid và bụi chì xuống đất. Việc nấu chì trong các lò lộ thiên đã phun khói và bụi độc quanh các khu dân cư”, theo một báo cáo được công bố vào tháng 6 năm 2020 bởi tổ chức Pure Earth và UNICEF.

Với sự phát triển vượt bậc của các nền kinh tế châu Phi, mỗi năm có hơn 800.000 tấn chì lọc ra từ pin trên tiểu lục địa này. Và hậu quả đối với sức khỏe con người và môi trường đã bắt đầu xuất hiện. 2 năm trước, ông Gottesfeld đã hoàn thiện công trình nghiên cứu cho thấy nhiễm độc chì đã lan ra đất đai quanh các nhà máy tái chế pin tại những khu ổ chuột đông đúc hoặc gần kề các trường học ở nhiều đô thị như Dar es Salaam (Tanzania), Lagos (Nigeria) và cảng Tema (Ghana).

Ngoài châu Phi đang đối mặt với các vấn đề ngộ độc chì nghiêm trọng thì khu vực Đông Nam Á cũng phải đối mặt với khủng hoảng tương tự.

Ông Bill Daniell (Trường sức khỏe công, Đại học Washington) là tác giả chính của công trình nghiên cứu năm 2015 về phơi nhiễm chì quanh phường Đồng Mai (quận Hà Đông, Hà Nội), nơi có nhiều hộ gia đình làm nghề tái chế pin. Hơn 100 đứa trẻ ở Đồng Mai đã được xét nghiệm và đều cho thấy nồng độ chì cao trong máu với hơn ¼/45 microgram/decilit, tức gấp 9 lần so với giới hạn an toàn ở Mỹ.

Còn tại Ấn Độ, một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 bởi Toxics Link (một tổ chức phi chính phủ ở New Delhi) đã công bố rằng 90% pin chì ở Ấn Độ trong các nhà máy tái chế thuộc khu vực phi chính thức. Nghiên cứu đã lập bản đồ các khu dân cư tại các thành thị lớn như New Delhi, nơi các xưởng tái chế pin chì hoạt động mà không có bất kỳ quan chức nào giám sát.

Theo Suckhoedoisong