Quá trình thẩm định lập, phê duyệt ĐTM

Các quy định về thực hiện hồ so ĐTM (Đánh giá tác động môi trường) và KHBVMT (Kế hoạch bảo vệ môi trường)

Câu hỏi:

a) Quy định về hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM chưa phù hợp với quy định về thời điểm trình báo cáo ĐTM (thời điểm này báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật của dự án đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa có và chưa được thẩm định), điều này gây khó khăn cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ do không có đủ cơ sở để xác định thời điểm chủ dự án trình báo cáo ĐTM là đã thực hiện các công việc nêu trên hay chưa, đặc biệt là thời điểm “trước khi quyết định đầu tư dự án”, ai là người quyết định dự án đầu tư (cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp);

b) Báo cáo ĐTM được hiểu là trình trước hay sau thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500;

c) Về nội dung báo cáo ĐTM: đề nghị hướng dẫn mức độ chi tiết phần thuyết minh và phương án thiết kế cơ sở hoặc phương án thiết kế bản vẽ thi công; đối với 3 đợt khảo sát phải thực hiện là của 3 ngày khác nhau hay trong 1 ngày thực hiện cả 3 đợt hoặc thời điểm nào.

d) Trường hợp 01 dự án đầu tư thực hiện tại 02 địa điểm tách biệt, quy mô công suất tách biệt thì có thể lập 02 báo cáo ĐTM tương ứng với quy mô dự án tại từng địa điểm không. Hướng dẫn giải quyết thủ tục doanh nghiệp lập thủ tục môi trường với mục tiêu sản xuất ít hơn hoặc với công suất nhỏ hơn các nội dung đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp và các trường hợp lập báo cáo ĐTM có phân kỳ thực hiện dự án nhưng giấy chứng nhận đầu tư không phân kỳ thực hiện dự án.

Trả lời:

a) Luật đầu tư công và Luật xây dựng quy định tất cả các dự án đầu tư xây dựng đều phải lập, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật, trong đó có phần thuyết minh và phần thiết kế xây dựng (thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công). Thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công (trong đó có công trình bảo vệ môi trường) đều được cơ quan nhà nước về xây dựng thẩm định, trong khi đó nếu nội dung báo cáo ĐTM không quy định thiết kế cơ sở của công trình bảo vệ môi trường (BVMT) là chưa phù hợp. Do vậy, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể về thời điểm trình báo cáo ĐTM và quy định nội dung báo cáo ĐTM phải có phần thuyết minh về thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình BVMT để đảm bảo đồng bộ giữa pháp luật về BVMT với pháp luật khác có liên quan trong tiến trình lập, thực hiện một dự án đầu tư xây dựng.

Nghị định số 40/2019/NĐ-CP không quy định báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật trong hồ sơ trình thẩm định báo cáo ĐTM phải là hồ sơ đã được cơ quan về xây dựng thẩm định. Việc cơ quan môi trường thẩm định báo cáo ĐTM trước sẽ là căn cứ để cơ quan xây dựng thẩm định thiết kế của dự án (trong đó có thiết kế cơ sở của công trình BVMT).

Thẩm quyền quyết định đầu tư đối với một dự án được phân loại theo nhiều tiêu chí (nguồn vốn, hình thức thực hiện,…) của pháp luật chuyên ngành như: dự án sử dụng vối đầu tư công thực hiện theo Luật đầu tư công, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; dự án PPP thực hiện theo Luật đầu tư; dự án sử dụng vốn khác thì thẩm quyền thuộc chủ sở hữu, hoặc đại diện chủ sở hữu;…. Do vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà thẩm quyền quyết định đầu tư đối với một dự án là khác nhau.

b) Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định thời điểm trình báo cáo ĐTM đối với dự án đầu tư xây dựng là trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế- kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công. Việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng, theo đó quy hoạch này phải được lập trước khi lập dự án đầu tư xây dựng và báo cáo ĐTM.

 c) Về mức độ chi tiết phần thuyết minh và phương án thiết kế cơ sở hoặc phương án thiết kế bản vẽ thi công: Nội dung này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng. Chủ dự án khi lập báo cáo ĐTM chỉ cần đưa phần thuyết minh kèm theo thiết kế của các công trình BVMT trong tổng thể nội dung thuyết minh kèm theo thiết kế các công trình của dự án đầu tư xây dựng thuộc báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Về thời điểm thực hiện 3 đợt khảo sát do chủ dự án tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về kết quả này, đảm bảo kết quả khảo sát đủ cơ sở để đánh giá hiện trạng các thành phần môi trường khu vực dự kiến thực hiện dự án và sự phù hợp của địa điểm lựa chọn.

d) Về việc lập báo cáo ĐTM đối với trường hợp 01 dự án đầu tư được thực hiện tại 02 địa điểm tách biệt hoặc tách lập ĐTM phân kỳ dự án đầu tư: Hiện nay chỉ có quy định đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng theo khoản 2 Điều 50 Luật xây dựng được phân chia thành các dự án thành phần hoặc phân kỳ đầu tư như sau: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần trong đó mỗi dự án thành phần có thể vận hành độc lập, khai thác sử dụng hoặc được phân kỳ đầu tư để thực hiện thì dự án thành phần được quản lý thực hiện như một dự án độc lập. Việc phân chia dự án thành phần hoặc phân kỳ đầu tư phải được quy định trong nội dung quyết định đầu tư. Do vậy, chỉ những dự án đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu nêu trên, khi triển khai thực hiện dự án ở các địa điểm tách biệt thì chủ dự án được quyền lập các báo cáo ĐTM riêng cho từng dự án thành phần hoặc từng phân kỳ đầu tư của dự án.

2. Về đánh giá sự phù hợp quy hoạch của dự án, cơ sở; đánh giá sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án

Câu hỏi:

a) Đề nghị hướng dẫn nội dung “dự án, cơ sở phù hợp quy hoạch” tại Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 40/2015/NĐ-CP).

b) Đề nghị hướng dẫn việc đánh giá “sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án” trong nội dung thẩm định báo cáo ĐTM.

Trả lời:

a) Theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công và xây dựng, căn cứ để triển khai thực hiện 01 dự án đầu tư đều có yêu cầu đánh giá sự phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:

– Đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng: các quy hoạch làm căn cứ thực hiện triển khai dự án được quy định cụ thể tại Điều 51 Luật xây dựng, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; Quy hoạch phát triển ngành; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương nơi có dự án đầu tư xây dựng.

– Đối với dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng: các quy hoạch làm căn cứ thực hiện triển khai dự án được thể hiện cụ thể tại nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi theo khoản 2 Điều 47 Luật đầu tư công, gồm: Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Quy hoạch phát triển ngành.

Do vậy, yêu cầu về sự phù hợp quy hoạch là việc đánh giá địa điểm hoạt động của cơ sở hoặc địa điểm đã thực hiện dự án có phù hợp với các quy hoạch nêu trên hay không.

          b) Theo quy định, trong quá trình lập báo cáo ĐTM, chủ dự án phải tiến hành đo đạc, lấy mẫu phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường khu vực tiếp nhận chất thải của dự án trong ít nhất 03 đợt khảo sát để làm căn cứ đánh giá sự phù hợp của địa điểm lựa chọn với đặc điểm môi trường tự nhiên khu vực dự án. Cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM có trách nhiệm xem xét, thẩm định kết quả quan trắc và đánh giá này của chủ dự án.

3. Về danh mục đối tượng lập báo cáo ĐTM, KBM

Câu hỏi:

Xác định các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng thực hiện ĐTM hoặc KBM do các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không trùng với các danh mục đối tượng phải thực hiện ĐTM. Ví dụ, sang chiết, đóng chai, lắp ghép thiết bị điện tử, sử dụng phụ phẩm từ chế biến thủy sản, năng lượng mặt trời, sóng biển, bọt chữa cháy, vật liệu phủ cho nội, ngoại thất ô tô, nuôi chim yến….

Trả lời:

Danh mục đối tượng phải thực hiện ĐTM hoặc đăng ký xác nhận KBM tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về cơ bản được kế thừa danh mục tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và dựa trên cơ sở Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng tên các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, BVMT và các lĩnh vực khác chưa hoàn toàn đồng nhất.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, chuẩn hóa và đồng nhất danh mục tên các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn có quy định tên gọi khác nhau tại các pháp luật chuyên ngành để thống nhất tên gọi trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

4. Về kinh phí phục vụ hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM đối với hình thức thẩm định thông qua lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan

Câu hỏi:

Hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM đối với hình thức thẩm định thông qua lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan được chi từ nguồn nào? Mức chi là bao nhiêu?

Trả lời:

Kinh phí phục vụ hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM được quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, mức chi do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Mức chi này đang được thực hiện theo Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư nêu trên cho phù hợp với thực tiễn.

5. Về ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận KBM cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế

Câu hỏi:

Đề nghị hướng dẫn cụ thể việc Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc xác nhận KBM.

Trả lời:

– Điều 23 Luật BVMT quy định thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ, cơ quan ngang bộ; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều 32 Luật BVMT quy định thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, gồm: Cơ quan chuyên môn về BVMT thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện (có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trên địa bàn một xã).

– Điều 65 và Điều 66 Luật BVMT quy định trách nhiệm của Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp là “phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động về bảo vệ môi trường; báo cáo về hoạt động BVMT tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật”.

Luật BVMT không quy định việc ủy quyền thẩm định báo cáo ĐTM của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và ủy quyền xác nhận kế hoạch BVMT của UBND cấp huyện cho Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT nên không được quy định những nội dung mới chưa được quy định trong Luật.

6. Về áp dụng hệ số Kf và Kp trong Giấy xác nhận Kế hoạch BVMT (KBM)

Câu hỏi:

Tại mẫu Giấy xác nhận KBM quy định ghi rõ “bảo đảm nước thải, khí thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (ghi rõ các quy chuẩn với các hệ số lưu lượng, nguồn tiếp nhận, vùng phát thải…);”. Tuy nhiên, giai đoạn lập KBM được thực hiện trước khi dự án đi vào hoạt động, lưu lượng xả thải mới chỉ là dự kiến và thực tế có thể thay đổi trong quá trình hoạt động. Do đó, nếu ghi hệ số Kf và Kp vào giấy xác nhận đăng ký KBM thì có thể gây khó khăn trong quá trình thanh, kiểm tra cơ sở do lưu lượng xả thải thực tế có thể khác so với lưu lượng xả thải dự kiến. Đề nghị trong giấy xác nhận đăng ký KBM chỉ ghi quy chuẩn kỹ thuật về chất thải với cột áp dụng, hệ số nguồn tiếp nhận, vùng phát thải, không ghi hệ số lưu lượng.

Trả lời:

Việc xác định rõ hệ số Kf và Kp là một căn cứ để đánh giá quy mô, công suất các công trình BVMT mà chủ dự án phải thực hiện, nhằm xác định chủ dự án phải thực hiện lập ĐTM hay KBM. Do đó, các thông tin này phải được thể hiện trong hồ sơ đăng ký KBM của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

LIÊN HỆ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ.

HL: 0916.818.437 – 0274.3800.140